Mùa xuân mới nghĩ về nghề dạy học với chủ đề trao đổi: TRUNG THỰC- YÊU THƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG
         Với tôi, đây là giá trị cốt lõi của nghề dạy học phải được hiện thực hóa trong từng "sản phẩm giáo dục" là các thế hệ học sinh, sinh viên, bắt đầu từ cấp học mầm non đến giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học để các em lớn lên, trưởng thành, tầm vóc theo thời gian cả về thể chất, tâm hồn và trí tuệ. Và đó là nền tảng bền vững của xã hội, quốc gia hạnh phúc, hùng cường.
         Xin được bắt đầu từ những đặc trưng của nghề dạy học: Nghề nghiệp của những người không bao giờ nghĩ đến việc hạch toán kinh tế (lãi hay lỗ)
         Kể từ khi bước chân vào giảng đường trường Sư phạm (ĐH, CĐ, TC,…), những giáo viên tương lai có nhiệm vụ và mục tiêu học tập, rèn luyện, cập nhật lĩnh hội cho được nhiều kiến thức khoa học về môn học được đào tạo và năng lực truyền thụ (năng lực sư phạm) càng sâu sắc, chính xác khoa học, uyên bác, nhuần nhuyễn càng quý để làm tài sản và hành trang khi tốt nghiệp ra trường đi dạy học.
         Và khi làm giáo viên dạy học cho đến lúc về hưu, cũng chỉ có một mục tiêu là làm thế nào để truyền thụ kiến thức (cả về kiến thức khoa học và tình cảm, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống) cho học sinh để cùng với nhà trường, gia đình và xã hội giáo dục các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước và là những con người có ích cho xã hội. Và đó là niềm vinh hạnh lớn lao của nghề dạy học. Làm điều tưởng chừng như đơn giản ấy người thầy giáo luôn có một tôn chỉ là đọc, nghiên cứu, cập nhật cho thật nhiều kiến thức để không bị lạc hậu và phải nghĩ ra cho được cách nào (PPDH) hay nhất để chuyển tải, hướng dẫn đến học sinh của mình và luôn luôn sống thật mẫu mực, đứng thẳng, đứng vững trong guồng quay của phát triển và xã hội để học sinh tin yêu và noi theo, đó là nghề dạy học. Trong đầu mỗi người thầy giáo không có chút tính toán, hoạch toán kinh tế nào bằng tiền bạc đối với nghề dạy học; có chăng “lợi nhuận” thu về là niềm hạnh phúc, vinh hạnh khi học trò giỏi giang, thành đạt, là công dân tốt và nỗi buồn, trăn trở, mái đầu thêm bạc khi có học trò chưa ngoan.        
          Nghề có nhiều áp lực nhất
         Có thể nói rằng, đối với người làm nghề dạy học chỉ trừ khi ngủ, còn lại luôn chịu áp lực của xã hội về mọi khía cạnh của cuộc sống, cả không gian, thời gian. Những áp lực căn bản, đó là:
         Tính mẫu mực về nhân cách và chính xác, sâu sắc, khoa học về kiến thức: Người thầy giáo khi đến trường (đúng hơn là khi bước chân ra khỏi nhà) phải thể hiện sự mẫu mực (từ tác phong, cử chỉ, thái độ,…đến hành vi). Trên bục giảng, ngoài sự mẫu mực đó ra về kiến thức môn học cần truyền thụ phải thực sự sâu sắc, nhuyễn mới vững vàng trong giảng dạy và đưa ra được phương pháp hay để dạy, muốn vậy người thầy giáo phải là những người luôn tự học, đọc, nghiên cứu cập nhật kiến thức để không lạc hậu. Trăn trở nhất của người thầy giáo là học trò hỏi mà thầy không có hoặc không đủ, không chắc kiến thức môn mình dạy để giải đáp, giúp các em hiểu và thích thú vì được sáng tỏ vấn đề đã hỏi và điều đau khổ nữa là học trò không tin, nghi ngờ về nhân cách của thầy giáo có điều gì đó “giả dối”; tin tưởng, noi gương, bắt chước theo là một trong những ảnh hưởng rất mạnh đến hình thành nhân cách của tuổi học trò. Nói như vậy, thì những người không làm trong ngành giáo dục có chịu áp lực này không? có chứ, nhưng không đòi hỏi như người thầy giáo vì đối tượng của nghề dạy học là học sinh là con người.
         Thầy giáo không thể nói dối, nói không đúng sự thật,…nói một đàng làm một nẻo. Đây cũng là một áp lực lớn với người thầy giáo mà những người làm ở ngành khác họ có thể làm và không chịu áp lực này (ngành kinh tế nói dối để đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế người ta vẫn làm hoặc nói như vậy nhưng chưa hẳn đã làm như thế,…kể cả bác sỹ cũng có lúc nói không đúng thông tin bệnh án của bệnh nhân để tránh sự lo lắng của bệnh nhân nhằm điều trị được tốt hơn,…). Nhưng thầy giáo thì không thể vì như thế là gieo vào trong nhân cách của các em sự sống không trung thực, giả dối và cao hơn nữa là làm thui chột lòng nhân ái, niềm tin. Rất nhiều vụ việc đắng cay từ chuyện này (Thầy dạy chúng em là phải biết lễ độ, lễ phép nhưng chính thầy cô giáo lại gây ra bạo hành trong gia đình. Thầy dạy chúng em phải trung thực nhưng điểm thầy chấm chưa phản ánh sự trung thực và còn thể hiện phân biệt đối xử trong giáo dục học sinh,…).
         Thầy giáo phải “đứng vững” trước những mặt trái của cơ chế thị trường, của xã hội, của hội nhập và toàn cầu hóa. Thầy giáo để thực hiện được nhiệm vụ truyền thụ kiến thức khoa học, hình thành nhân cách cho học sinh (giáo dục toàn diện), ngoài những áp lực như đã nói ở trên, người thầy giáo phải vượt qua được những cám giỗ tiêu cực, khó khăn trong cuộc sống và đem kinh nghiệm đó để giúp các em cũng có được kiến thức, kinh nghiệm để chiến đấu, chiến thắng với những tệ nạn, tiêu cực trong cuộc sống, trong xã hội trên con đường trưởng thành. Rất nhiều vụ việc cay đắng trong chuyện này, với thầy giáo một lần không đứng vững, một vết hoen ố về nhân cách sẽ gần như là mãi mãi không còn đứng được trong nghề dạy học. Đây thực sự là một áp lực lớn riêng đối với nghề dạy học. Cuộc sống riêng tư của thầy giáo (gia đình, con cái, quan hệ xã hội nơi cư trú,…) cũng là những áp lực rất tất yếu, rất đặc trưng của nghề dạy học, mang tính đòi hỏi của xã hội. Ví như những chuyện “Con thầy mà thầy không dạy được thì thầy dạy ai?”, “hạnh phúc gia đình thầy có vấn đề thì làm sao phụ huynh giám gửi con cái cho thầy giáo dục được”, “ thầy giáo mà thế này, thầy giáo mà thế kia,…”, còn nhiều những áp lực khác nữa đối với nghề dạy học.
         Để những áp lực trên mà thực chất là một sự đòi hỏi của xã hội đối với người thầy giáo và nghề dạy học thì tất yếu phải xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nghề dạy học để mỗi một giáo viên có đủ trí lực và vật lực toàn tâm toàn ý cho việc giáo dục con người. Và cũng là cách sàng lọc tốt nhất của quy luật đào thải tự nhiên để những thế hệ học sinh có đủ đức và tài tiếp nối sự nghiệp trồng người như khi còn sống, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về nghề dạy học: “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” và không để tiếp tục mãi câu chuyện làm chính sách cho giáo dục với tư duy nghề dạy học đơn thuần cũng chỉ là nghề "làm công ăn lương". Chuyện gì sẽ xẩy ra khi sản phẩm giáo dục bị lỗi quay trở lại làm giáo dục! hậu quả không đơn giản chỉ là làm hỏng nồi canh “con sâu làm rầu nồi canh” mà là quyết định đến con đường phát triển, hưng thịch của Quốc gia, Dân tộc.
         Đây mới là khởi đầu của chủ đề cần trao đổi, sẽ tiếp tục ở các bài viết sau.
         Năm mới, chúc Quý thầy giáo, cô giáo luôn khỏe mạnh và thành công với sứ mệnh, nghề nghiệp đã chọn.



(Nhóm NG&NNB nhặt rác bãi biển Ninh Chử)

Tháng 02/2022
Phạm Hữu Khương
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 2823
  • Trong tuần: 17515
  • Tất cả: 7852471