Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1707
  • Trong tuần: 10049
  • Tất cả: 1879905
Dạy trẻ biết “cãi” đúng
Tình trạng bạo lực tinh thần và thể chất của học sinh (HS) do chính thầy cô xâm hại có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Bên cạnh sự phẫn nộ của dư luận cũng kèm theo sự nuối tiếc khi bản thân HS quá thụ động, thiếu kĩ năng để giảm nhẹ hoặc thoát ra khỏi sự việc. 

Giáo viên phải nắm rõ sự thay đổi về tâm lý học sinh trong quá trình giáo dục
Giáo viên phải nắm rõ sự thay đổi về tâm lý học sinh trong quá trình giáo dục

Tình trạng bạo lực tinh thần và thể chất của học sinh (HS) do chính thầy cô xâm hại có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Bên cạnh sự phẫn nộ của dư luận cũng kèm theo sự nuối tiếc khi bản thân HS quá thụ động, thiếu kĩ năng để giảm nhẹ hoặc thoát ra khỏi sự việc. 

TS chuyên ngành Khoa học giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công đã trao đổi xung quanh vấn đề thiếu tư duy phản biện và sự cần thiết của giáo dục tư duy phản biện, kĩ năng sống cho HS hiện nay.

Kỹ năng phản biện là vô cùng quan trọng

- Qua vụ việc giáo viên buộc HS trong lớp tát phạt một HS bằng 230 cái tát, có ý kiến cho rằng, HS của chúng ta đang quá “hiền” và “thiếu” kĩ năng phản biện trước những tình huống cần tự bảo vệ bản thân. Ông nghĩ sao về điều này?

Đây là một hành động bạo lực, vi phạm pháp luật nhưng học sinh không dám lên tiếng và đồng thuận với hành vi đó. Điều này chứng tỏ bạo lực, lạm quyền đã quen thuộc trong không ít trường học đến mức HS coi đó là điều bình thường, là lẽ đương nhiên.

Sự việc cũng là hậu quả của việc giáo dục áp đặt, giáo điều từ gia đình và trong nhà trường. Cha mẹ luôn đúng, thầy cô luôn đúng, cách giáo dục chỉ tập trung vào kiến thức, thành tích mà quên đi sự phát triển toàn diện về tự do, về quyền con người, về nhân cách, đạo đức và tinh thần…

Tất cả những điều đó đã dẫn tới việc học sinh bị biến thành cỗ máy vô hồn, chỉ biết nghe lời và tuân lệnh.

- Giáo dục trẻ cách phản biện, có kĩ năng ứng phó khi gặp những tình huống bất ngờ trong trường học và gia đình quan trọng và cần được triển khai ra sao?

Kỹ năng phản biện vô cùng quan trọng với một cá nhân, kỹ năng này giúp HS có lối sống đúng đắn, không bị ảnh hưởng, lệch lạc trước những biến động của cuộc sống. Nếu như tất cả những đứa trẻ được hướng dẫn những điều này, dạy tư duy phản biện xã hội sớm thay vì nhồi nhét kiến thức sớm sẽ giúp cho các em có tư duy tốt, động lực trong học tập và cuộc sống tốt hơn. Những câu chuyện đáng tiếc “231 cái tát” như trên ít có cơ hội xảy ra.

 

HS chịu trận 231 cái tát phạt; HS tự vẫn hoặc có thái độ tiêu cực khi bị thầy cô, bạn bè nói sai, nghĩ sai về mình bởi một lý do không nhỏ vì thiếu khả năng phản biện, có thói quen chịu đựng, không mạnh dạn phản kháng. Đẩy mạnh GD phản biện, kĩ năng sống là vô cùng cần thiết khi GD đổi mới, đòi hỏi sự toàn diện.

 

TS Vũ Việt Anh

Theo nghiên cứu những người thành công trên thế giới chỉ có 25% do kiến thức chuyên môn, 75% còn lại quyết định bởi những kỹ năng mềm. Vì vậy, chìa khóa thành công ở đây là cần khéo léo sớm đưa kỹ năng sống vào GD con trẻ. Ở các nước phát triển, việc đưa kỹ năng sống vào GD là bắt buộc. Với việc được trang bị kỹ năng sớm như vậy nên giới trẻ các nước tiên tiến không chỉ dễ dàng đáp ứng, thích nghi với điều kiện thay đổi của cuộc sống mà còn thể hiện qua hiệu suất lao động.

Vì vậy, phía phụ huynh cần nhận thức đúng đắn, việc GD ở trường học không quyết định hoàn toàn tương lai con trẻ mà còn phụ thuộc nhiều từ GD gia đình, từ việc gia đình trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho con trẻ.

Trang bị kỹ năng phản biện là một việc không hề phức tạp. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể hướng dẫn con mình qua việc đừng bao giờ áp đặt hoặc đáp ứng nhu cầu của con một cách dễ dàng, thay vào đó hãy biết cách đặt câu hỏi đúng đắn đối với con. Ví dụ, khi con đòi xem TV, thay vì cấm đoán hoặc đồng ý ngay hãy hỏi con: Theo con, tại sao con cần xem chương trình này, nó mang lại ích lợi gì cho con? Hoặc khi con hỏi cách làm việc này, việc kia, thay vì giải đáp dễ dàng hãy hỏi con: Theo con, có thể có những cách nào để làm được việc này? Có cách nào tốt hơn không?... Hãy dạy con biết “cãi” một cách đúng đắn.

Cần khích lệ, động viên để trẻ tự tin

- Từ những sự việc đau lòng việc trên, ông có cho rằng nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn tới giáo dục phản biện cũng như tạo môi trường GD dân chủ hơn để thầy cô, cha mẹ biết lắng nghe, chia sẻ điều trẻ muốn nói?

Giáo dục là thổi hồn nhân cách chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Giáo dục hiện đại cần lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày quý phụ huynh cần đặt câu hỏi đúng cho việc giáo dục của mình. Đừng đặt câu hỏi là nên truyền cho con kiến thức gì mà hãy đặt câu hỏi cần thiết kế hoạt động gì để con rút ra được bài học cần thiết. Đã từ lâu, chúng ta đã nói đến câu chuyện đổi mới giáo dục, nhưng để đổi mới được thì trước hết cần thay đổi nhận thức của thầy cô và gia đình về giáo dục.

Giáo dục không phải tạo ra những phiên bản robot giống hệt nhau mà là kiến tạo để trẻ em trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Để làm được điều đó, hãy lắng nghe trẻ, hãy để trẻ mạnh dạn sống với ước mơ của chính mình chứ không phải mong muốn, kỳ vọng của thầy cô hoặc bố mẹ.

- Có phương pháp, hình thức nào giúp mỗi thầy cô giáo, bảo vệ, nhân viên trường học… hiểu được trẻ, giúp trẻ chia sẻ suy nghĩ mong muốn khi các em chưa mạnh dạn phản biện hoặc khó khăn trong diễn đạt điều mình muốn?

Có 4 bí quyết mà người Do Thái đã tạo nên một dân tộc thông minh tài giỏi nhất thế giới, ở nơi mà một binh nhất có thể phản đối “cãi lại” mệnh lệnh của một tướng quân. Họ dạy trẻ chỉ nhờ 4 bí quyết: Yêu thương, Trò chuyện, Kiên nhẫn và Khích lệ.

Ở đâu có thấu hiểu, ở đó sẽ có yêu thương. Hiểu trẻ, đứng về phía trẻ để đồng cảm với các con, từ đó sẽ càng yêu thương con nhiều hơn vì mỗi đứa trẻ đều là một thiên thần. Cần kiên nhẫn với trẻ vì mỗi đứa trẻ có khả năng nhận thức khác nhau, tính cách khác nhau, cách nhìn nhận cuộc sống khác nhau nên cần kiên nhẫn để hiểu và hướng dẫn đúng, phát huy đúng điểm mạnh của trẻ. Cần trò chuyện để hiểu trẻ hơn, biết tâm tư, nguyện vọng của trẻ, để đồng hành, dẫn dắt trẻ đi đúng hướng. Cần khích lệ, động viên để trẻ tự tin, mạnh mẽ dám thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình.

Gia đình và các thầy cô cần rèn luyện đạo đức, kỷ luật, tư duy phản biện, nhận thức kỹ năng xã hội…trước khi dạy về kiến thức, như vậy mới tạo ra một thế hệ trẻ có được những tư duy và trí tuệ nhân văn, nhân bản.

- Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!

Đức Trí (thực hiện)
Báo Giáo dục & Thời đại