Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 176
  • Trong tuần: 1415
  • Tất cả: 338129
Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn
Ngày 27/11, Quốc hội thông qua nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Nhiều giáo viên nói rằng, cần đổi mới sách giáo khoa, thay đổi phương pháp giảng dạy để môn Lịch sử hấp dẫn học sinh hơn.

Môn Lịch sử hấp dẫn hơn nếu được giảng dạy kèm hình ảnh sống động.

Bà Đỗ Thị Kim Sinh, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), nói rằng, từng dạy ở nhiều trường THPT, bà thấm thía cảnh nhiều học sinh không hứng thú với môn học.

Theo bà Sinh, chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng về số liệu, dường như vô cảm khi tường thuật sự kiện, cách biên soạn có nhiều chỗ chưa hợp lý, trùng lặp hoặc sơ sài. Sách Lịch sử lớp 12 hiện hành, học sinh rất thích học lịch sử quân sự phần kháng chiến chống Mỹ, nhưng phần hậu phương lại quá sơ sài. Chỉ một đoạn ngắn lại có hơn chục số liệu khó nhớ. Chặng đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước rất hấp dẫn, nhưng lại được viết một cách khô khan, ngắn ngủi, bà Sinh nhận định.

Ông Nguyễn Vũ, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, cho rằng, kiến thức trong sách thừa chữ, thừa con số, nhưng thiếu hình ảnh, khiến giáo viên rất vất vả nếu muốn xây dựng các bài giảng riêng.

Thạc sỹ Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), khẳng định: “Lâu nay, học sinh không chán lịch sử và môn Sử. Đến giờ học Sử, các em vẫn thích nghe giáo viên kể chuyện về lịch sử. Nếu học sinh không muốn học thì đó là lỗi của giáo viên”.

Nhiều giáo viên đề nghị đổi mới các yếu tố liên quan sách giáo khoa, cách đánh giá và phương pháp dạy học để học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử. Giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, tránh truyền thụ kiến thức một chiều. Bà Sinh chia sẻ: “Có những sự kiện lịch sử, mình dạy hoàn toàn bằng video. Cho học sinh xem cận cảnh, nghe từng tiếng bom rền, pháo rít, nhìn đoàn người băng trong mưa và thậm chí cả cái chết… để hiểu độ tàn khốc của chiến tranh. Sau đó, học sinh sẽ tranh luận, giáo viên là người tổng kết, rút là bài học cuối cùng”.

Dạy Sử bằng hình ảnh trực quan như học ở bảo tàng, địa chỉ đỏ, khu di tích lịch sử… khiến học sinh có nhiều cảm xúc để từ đó yêu quý môn học hơn. Một giáo viên Lịch sử khác kể, khi giảng bài cho học sinh trên lớp về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, giáo viên đã dùng mọi lời lẽ để diễn tả lại mức độ cam go của cuộc chiến, học sinh chăm chú lắng nghe. Đến khi được đi thực tế ở Điện Biên Phủ, được mô tả lại trận chiến năm xưa, nhiều học sinh đã khóc.

Bà Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), cho rằng, sách giáo khoa nên viết theo tiến trình lịch sử Việt Nam. Cần đưa nhiều hình ảnh, thậm chí in đĩa đi kèm để học sinh được tiếp cận thông tin phong phú, bỏ bớt những phần không cần thiết. Những nhân tố mang tính biểu tượng cao như anh hùng Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Giót… cần được đưa vào sách với nhiều dữ liệu hơn. Theo bà Nhung, nên làm cả sách giáo khoa điện tử để học sinh học tập thuận tiện.

- Theo tienphong.vn - 
Lên d?u trang